Trang chủ Những điều cần biết về bệnh đau mắt đỏ

Những điều cần biết về bệnh đau mắt đỏ

Cập nhật ngày 10/07/2024 176 Lượt xem

Viêm kết mạc (hay thường được gọi là đau mắt đỏ) là bệnh lý thường gặp trong cộng đồng. 

Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ có thể do rất nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do vi rút, ngoài ra còn có thể do vi khuẩn, do dị ứng, do tiếp xúc với hóa chất hoặc chất gây kích ứng.

Người bệnh thường có triệu chứng đỏ mắt, ngứa, đau rát, sưng 2 mi mắt, chảy nước mắt và đổ ghèn nhiều khiến mắt bị mờ hoặc có thể bị nhạy cảm với ánh sáng.

Bệnh thường khởi đầu ở 1 mắt, và trong vòng 24-48 giờ sau đó có thể lan sang mắt còn lại.

Đau mắt đỏ do vi rút hầu hết đều nhẹ, thông thường sẽ tự khỏi sau 7-10 ngày và hiếm khi để lại di chứng. Tuy nhiên trong một số trường hợp bệnh kéo dài lâu hơn, có thể nặng lên và gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Vậy nên khi có dấu hiệu mắc bệnh, bạn nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn, điều trị.

Đau mắt đỏ (Viêm kết mạc)
Đau mắt đỏ (Viêm kết mạc)

Một số dấu hiệu gợi ý bạn cần phải đi khám bác sĩ

  • Các triệu chứng gây khó chịu ở mắt: đỏ mắt, đau rát, cay mắt, chảy nước mắt…
  • Khi mắt bị mờ.
  • Khi thấy nhạy cảm với ánh sáng (thấy khó chịu khi nhìn vào nguồn ánh sáng mạnh).
  • Khi mắt bạn tiết ra nhiều ghèn.
  • Khi bạn có các triệu chứng khác của nhiễm trùng như sốt, đau nhức nhiều, mắt tiết mủ…

Đau mắt đỏ do vi rút có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng phổ biến nhất là ở trẻ em. Bệnh lây lan rất nhanh trong cộng đồng, đặc biệt là các khu vực nhà trẻ, trường học, cơ quan.

Đau mắt đỏ có xu hướng bùng phát thành dịch vào khoảng tháng 8 đến tháng 10 mỗi năm. Đau mắt đỏ rất dễ lây từ người sang người.

Bệnh có thể lây qua các đường

  • Tiếp xúc với dịch tiết người bị bệnh như nước bọt, nước mũi…
  • Đặc biệt nước mắt người bệnh là nơi chứa rất nhiều vi rút. Ví dụ như khi tay người khỏe mạnh có dính vi rút của người bệnh rồi vô tình chạm vào mắt, hoặc khi mắt tiếp xúc với những giọt li ti từ đường hô hấp khi người bệnh ho hoặc hắt hơi.
  • Qua đồ dùng chung, nước hồ bơi bị nhiễm khuẩn.

Phòng ngừa là cần thiết để giữ cho bản thân không bị mắc bệnh, hoặc không lây cho người khác, đặc biệt khi trong nhà có trẻ nhỏ.

Những việc nên làm để phòng bệnh

  • Sử dụng khăn hoặc khăn giấy sạch mỗi lần lau mặt và mắt.
  • Dùng khăn mặt riêng.
  • Rửa tay thường xuyên với xà phòng, nhất là trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc sau khi ho, hắt hơi.
  • Cố gắng không chạm tay vào mắt. Nếu chạm, hãy rửa tay ngay lập tức.
  • Hạn chế tiếp xúc gần hoặc tiếp xúc trực tiếp với những người đang bị đau mắt đỏ.

Cần làm gì khi bị đau mắt đỏ?

  • Rửa mắt, giữ vệ sinh mắt sạch sẽ.
  • Không chạm tay hay dụi mắt.
  • Về thuốc nhỏ mắt sử dụng trong bệnh đau mắt đỏ, người mắc bệnh có thể dùng nước muối sinh lý (natri clorua 0,9%) vô trùng để rửa mắt. Người bệnh có thể mua dễ dàng tại các hiệu thuốc.
  • Khi mắt sưng nhiều hãy chườm lạnh bằng cách đắp một chiếc khăn ướt, sạch, mát lên mắt.
  • Đeo kính mát tối màu khi đi ngoài đường để giúp mắt giảm tiếp xúc với ánh sáng, bụi bẩn và có thể đeo kính mát ở nhà để ngăn ngừa việc chạm vào mắt thường xuyên.
  • Giữ khoảng cách với những người xung quanh.
  • Đến các cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn, điều trị.

Bị đau mắt đỏ cần tránh làm gì?

  • Không nên tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid, kháng sinh hay những thuốc chưa rõ thành phần vào mắt. Điều này có thể làm tổn thương mắt nặng hơn, kéo dài thời gian bệnh và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
  • Không nên trang điểm mắt khi mắt đang bị đau mắt đỏ.
  • Không nên đeo kính áp tròng cho đến khi khỏi bệnh hẳn.

 

 

Các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ
Các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ (Viêm kết mạc)

Để đặt lịch khám, bạn có thể gọi đến Hotline 028 62793 666 hoặc đặt lịch trực tiếp tại đây. Để tìm hiểu các bệnh lý khác, hãy bấm vào tìm hiểu thêm.

Tài liệu tham khảo:

    TƯ VẤN MIỄN PHÍ

    Chia sẻ

    02862793666
    028 62793 666
    All in one