CÙNG TÌM HIỂU VỀ BỆNH SỞI
Dịch sởi đang bùng phát nhanh chóng tại thành phố Hồ Chí Minh và để lại nhiều hậu quả nặng nề nếu không được tiêm phòng đầy đủ.
Ngày 27/08/2024, Sở Y Tế TP Hồ Chí Minh đã công bố dịch sởi trên địa bàn thành phố và triển khai thực hiện chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin Sởi- Rubella không kể tiền sử tiêm chủng vắc xin Sởi-Rubella trước đó cho tất cả trẻ em từ 1-5 tuổi đang sống tại thành phố.
Bệnh sởi là gì?
Bệnh sởi do virus sởi gây ra, là bệnh lây qua đường hô hấp nên có tính lây nhiễm cao và rất dễ gây thành dịch nếu không được phòng ngừa kịp thời.
Đặc trưng của bệnh sởi
- Các ban dát sẩn
- Ho
- Sổ mũi
- Viêm kết mạc mắt
- Thời gian ủ bệnh khoảng 10 ngày
Bệnh sởi thường gặp ở nhóm trẻ em trước tuổi đi học và tuổi đi học, thường dưới 5 tuổi.
Mặc dù phần lớn trẻ em sẽ hồi phục nhưng có thể có biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, tiêu chảy … và dẫn tới tử vong .
Bệnh sởi cũng ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của cơ thể, có thể khiến cho cơ thể “quên” cách tự đề kháng trước các bệnh nhiễm trùng và làm cho trẻ bệnh trở nên yếu ớt, dễ bị bệnh hơn.
Trẻ nhỏ chưa tiêm chủng, trẻ suy dinh dưỡng, phụ nữ có thai và người bị suy yếu hệ thống miễn dịch là những người có nguy cơ biến chứng nặng nếu mắc bệnh sởi.
Diễn biến của bệnh
Khoảng từ 7 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc với virus
Xuất hiện các triệu chứng:
- Sốt nhẹ kèm theo người nhức mỏi
- Mắt đỏ do viêm kết mạc
- Mũi chảy dịch
- Ho khan
- Hắt hơi
- Đau họng
- Chán ăn…
Khoảng 2-3 ngày sau có những nốt nhỏ xíu với trung tâm màu xanh trắng xuất hiện bên trong miệng, nơi gò má.
Những nốt này có tên là đốm Koplik, dấu hiệu đặc biệt của bệnh sởi .
Sau đó bệnh nhân có thể sốt cao lên tới 40 độ C.
Cùng lúc đó có những nốt đỏ nhỏ li ti nổi lên, thường là trên mặt, theo đường tóc và sau tai.
Những nốt này thường hơi ngứa và có thể lan xuống ngực, lưng và cuối cùng xuống tới đùi, bàn chân.
Khoảng 1 tuần sau những nốt đỏ này sẽ nhạt dần, nốt nào xuất hiện trước sẽ hết trước
Biến chứng
Bệnh sởi đa số là khỏi hoàn toàn, nhưng có thể xuất hiện các biến chứng như viêm não xảy ra khoảng 1/1000 trẻ, viêm phổi khoảng 5/100 trẻ.
Trong những trường hợp tử vong do sởi ở trẻ em, nguyên nhân thường gặp là do viêm phổi.
Viêm gan và tiêu chảy có thể xảy ra trong lúc mắc sởi.
Điều trị
Không có phương pháp điều trị cụ thể nào cho bệnh sởi ngoại trừ chăm sóc hỗ trợ.
Sau khi được bác sĩ chẩn đoán, người bệnh sẽ được cách ly, điều trị hỗ trợ như vệ sinh da, mắt, miệng họng, tăng cường dinh dưỡng, hạ sốt.
Nếu bội nhiễm vi khuẩn thì sẽ được điều trị kháng sinh.
Nếu có các biến chứng khác thì sẽ điều trị theo từng biến chứng.
Phòng ngừa
Bệnh sởi có thể phòng ngừa bằng tiêm chủng nhưng cần có mức độ bao phủ cao để ngăn chặn dịch bệnh xảy ra.
Chỉ khi tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng đạt trên 95% với 2 liều vắc xin, dịch bệnh sởi mới có thể được kiểm soát.
Vắc xin ngừa sởi là một phần trong vắc xin phòng bệnh sởi-quai bị-Rubella, chứa virut còn sống nhưng đã bị làm yếu đi.
Vắc xin này nằm trong chương trình tiêm chủng quốc gia.
Đối với trẻ sơ sinh đã nhận được kháng thể miễn dịch từ mẹ truyền qua nhau thai sẽ có khả năng miễn dịch cho đến 6 tháng tuổi, nhiều em bé còn lưu giữ kháng thể này cho đến tháng thứ 9.
Từ tháng 9 trở đi, trẻ cần được bảo vệ bởi vắc xin sởi.
Hai mũi vắc xin sởi sẽ được tiêm khi trẻ đủ 9 tháng tuổi và tiêm nhắc lại khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.
Khi được tiêm mũi thứ nhất, trẻ sẽ có khoảng 80-85% khả năng miễn dịch. Hoàn thành mũi thứ hai khả năng miễn dịch ở trẻ tăng lên mức 90-95%.
Lịch tiêm phòng vắc xin sởi cho trẻ tại Việt Nam
+ Mũi 1: Tiêm khi trẻ đủ 9 tháng tuổi.
+ Tiêm khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.
Nếu trẻ chưa được tiêm phòng hoặc trễ lịch tiêm theo hẹn, cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng đầy đủ cho trẻ
Để đặt lịch khám, bạn có thể gọi đến Hotline 028 62793 666 hoặc đặt lịch trực tiếp tại đây. Để tìm hiểu các bệnh lý khác, hãy bấm vào tìm hiểu thêm.
Tài liệu tham khảo:
https://bestpractice.bmj.com/topics/en-gb/217
https://www.cdc.gov/measles/signs-symptoms/photos.html
Chia sẻ