Trang chủ ĐAU THẮT NGỰC – NHỮNG ĐIỀU BẠN CẦN BIẾT

ĐAU THẮT NGỰC – NHỮNG ĐIỀU BẠN CẦN BIẾT

Cập nhật ngày 24/08/2024 88 Lượt xem

Đau thắt ngực là một hội chứng mà người bệnh cảm thấy khó chịu và thắt nghẹt ở ngực có nguyên nhân do tắc hẹp hoặc co thắt động mạch vành.

Cơn đau thắt ngực hiện nay khá phổ biến, đặc biệt là ở người lớn tuổi và có thể là một dấu hiệu của bệnh lý tim mạch nào đó nghiêm trọng cần được thăm khám và điều trị ngay lập tức.

Đau thắt ngực
Đau thắt ngực

Cơn đau thắt ngực là gì?

Đau thắt ngực là một dấu hiệu của bệnh động mạch vành, đó là hệ thống động mạch mang máu giàu oxy đến nuôi dưỡng cho tim.

Trong bệnh lý động mạch vành, sự tích tụ dần lớp mỡ ở thành mạch theo thời gian dẫn đến trong lòng động mạch bị hẹp lại.

Khi động mạch vành của bạn trở nên quá hẹp, tim sẽ không nhận đủ máu nuôi dưỡng vào những lúc nó cần phải làm việc gắng sức hơn bình thường.

Điều này có nghĩa là cơ tim của bạn không nhận đủ oxy để bơm máu, có thể gây ra cảm giác khó chịu hoặc đau tức ở ngực.

Đây chính là cơn đau thắt ngực mà bạn cảm thấy.

 

Những điều có thể khiến tim bạn phải làm việc nhiều hơn và gây ra cơn đau thắt ngực, gồm có:

  • Hoạt động gắng sức
  • Ở bên ngoài trong thời tiết lạnh
  • Stress hoặc quá phấn khích.

Khi bạn nghỉ ngơi, trái tim bạn không cần phải làm việc quá vất vả.

Vì vậy, nó có đủ oxy và bạn sẽ không cảm thấy khó chịu.

 

Triệu chứng của đau thắt ngực

  • Một số người nói rằng họ có cảm giác như có một sức nặng đè ép lên ngực hoặc giống như cảm giác bị ai đó bóp nghẹt lồng ngực của mình.
  • Cơn đau có thể lan lên cổ, vai và hàm, thượng vị hoặc lan ra sau lưng.
  • Bạn có thể bị đau lan xuống một hoặc cả hai cánh tay.
  • Một số người cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức, buồn nôn hoặc đổ mồ hôi nhiều hơn bình thường.
  • Đôi khi khó thở là triệu chứng duy nhất.

 

Phân loại cơn đau thắt ngực

Đau thắt ngực có thể chia thành 4 loại chính:

  • Cơn đau thắt ngực ổn định

Thường xuất hiện khi gắng sức hoặc xúc động mạnh. Cơn đau khá ngắn, kéo dài dưới 5 phút.

  • Cơn đau thắt ngực không ổn định

Xảy ra đột ngột, dữ dội và không có dấu hiệu báo trước hoặc cũng có thể là âm ỉ nhưng thường kéo dài ít nhất trên 20 phút hoặc nhiều giờ với tính chất kể trên. Bạn cần đi khám cấp cứu ngay nếu có cơn đau này.

  • Cơn đau thắt ngực Prinzmetal

Xảy ra khi có sự co thắt đột ngột ở một trong các nhánh của động mạch vành, những cơn co thắt này có thể gây thiếu máu cục bộ ở phần cơ tim tương ứng và kéo theo các triệu chứng đau thắt ngực.

  • Đau thắt ngực kháng trị

Cơn đau với những tính chất kể trên nhưng thường xuyên xảy ra dù đã dùng thuốc và thay đổi lối sống.

 

Điều trị cơn đau thắt ngực

1. Điều trị bằng thuốc

Nếu bạn bị đau thắt ngực, nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ sẽ cao hơn bình thường. Bác sĩ có thể đề xuất thuốc điều trị để giảm nguy cơ cho bạn nhằm:

  • Dự phòng hình thành huyết khối

Tránh hình thành cục máu đông gây bít tắc lòng mạch, ví dụ như Aspirin.

  • Kiểm soát huyết áp

Có thể là ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể angiotensin, …

  • Hạ mỡ máu

Gồm các thuốc trong nhóm statin giúp bảo vệ bạn khỏi bị đau tim hoặc đột quị. Các loại thuốc này giúp ngăn chặn lắng động mỡ trong thành mạch và chống viêm tại các mạch máu đặc biệt là mạch vành.

  • Thuốc dự phòng và điều trị đau thắt ngực

Chống thiếu máu cục bộ, cải thiện tình trạng chuyển hoá năng lượng cơ tim, làm giảm đau ngực và tăng khả năng gắng sức (Trimetazidin, Ranolazine).

 

Các loại thuốc khác như nhóm chẹn kênh canxi, thuốc chẹn beta giao cảm và thuốc giãn mạch vành cũng có thể được bác sỹ kê cho bạn nhằm dự phòng cơn đau thắt ngực. Hãy nói với bác sỹ của mình nếu bạn bị hen suyễn hoặc huyết áp thấp,…

 

2. Điều trị không dùng thuốc

Việc điều trị không dùng thuốc cơn đau thắt ngực có ý nghĩa rất lớn trong việc dự phòng cơn đau thắt ngực, bao gồm:

  • Cai thuốc lá
  • Không sử dụng cồn hoặc đồ uống có cồn

Nếu bạn có thói quen uống rượu bia, hãy cố gắng bỏ hoặc giảm xuống mức tối thiểu.

  • Kiểm soát cân nặng
  • Chế độ ăn lành mạnh

Giảm chất béo, tăng sử dụng rau xanh, trái cây, chất xơ và đạm trắng (thịt gà và cá tươi).

  • Nhận biết và tránh những stress, áp lực trong công việc và cuộc sống.
  • Tập luyện thể dục thể thao đều đặn mỗi ngày

Ít nhất 150 phút mỗi tuần, nhưng tránh hoạt động gắng sức hoặc đột ngột.

  • Điều trị các bệnh lý mạn tính

Tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh thiếu máu cơ tim, …

  • Thường xuyên thăm khám và kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm.

 

3. Can thiệp ngoại khoa

Các can thiệp ngoại khoa, chẳng hạn như nong mạch vành hoặc bắc cầu động mạch vành.

Thường chỉ được khuyến nghị cho những người bị đau thắt ngực ổn định có triệu chứng rất nghiêm trọng:

  • Những người có triệu chứng đau thắt ngực không được kiểm soát bằng thuốc
  • Những người có nguy cơ cao bị đau tim hoặc đột quỵ.

Nếu bạn được chẩn đoán và đang điều trị bệnh thiếu máu cơ tim, đặc biệt là có sự xuất hiện cơn đau thắt ngực thì cần phải được theo dõi và tái khám định kỳ.

 

Để đặt lịch khám, bạn có thể gọi đến Hotline 028 62793 666 hoặc đặt lịch trực tiếp tại đây. Để tìm hiểu các bệnh lý khác, hãy bấm vào tìm hiểu thêm.

 

Tài liệu tham khảo:

https://bestpractice.bmj.com/patient-leaflets/en-gb/html/1469018028580/Stable%20angina%3A%20what%20treatments%20work%3F

https://bestpractice.bmj.com/patient-leaflets/en-gb/html/1466515025258/Unstable%20angina%3A%20what%20treatments%20work%3F

Quyết định 2248/QĐ-BYT, “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng mạch vành mạn”, Bộ Y tế – 19/05/2023.

    TƯ VẤN MIỄN PHÍ

    Chia sẻ

    02862793666
    028 62793 666
    All in one