SỎI MẬT

SỎI MẬT LÀ GÌ?
Sỏi mật là sự tích tụ của các tinh thể trong túi mật hoặc trong ống mật chủ bao gồm: sỏi cholesterol, sỏi canxi, hoặc sỏi bilirubin (một thành phần chính của mật).
TRIỆU CHỨNG THƯỜNG GẶP CỦA SỎI MẬT:
80% sỏi mật không gây triệu chứng.Triệu chứng thường xuất hiện khi sỏi từ túi mật rơi xuống ống mật chủ gây tắc ống mật chủ.
- Đau bụng (đau quặn mật): xảy ra khi sỏi gây tắc đường mật. Đau quặn mật thường xuất hiện sau một bữa ăn thịnh soạn, ở vùng bụng trên phải, dưới bờ sườn. Trong cơn đau điển hình, mức độ đau sẽ tăng dần trong 15 phút đến 1 giờ, và kéo dài đến 12 giờ. Cơn đau thường dữ dội và buộc người bệnh phải đến ngay bệnh viện. 20-40% cơn đau quặn mật sẽ tái phát và có thể xuất hiện biến chứng.
- Vàng da, sốt: Khi tình trạng tắc mật không được giải quyết, túi mật có thể phù nề, gây viêm túi mật. Lúc này, người bệnh xuất hiện triệu chứng sốt, vàng da. Nhiễm trùng nặng hơn có thể dẫn tới áp xe tại gan và nhiễm trùng huyết.
- Nôn ói: ít gặp nhưng có thể xãy ra kèm với cơn đau bụng.

AI LÀ NGƯỜI CÓ NGUY CƠ MẮC SỎI MẬT?
- Cơ địa: Người lớn tuổi, nữ giới, phụ nữ mang thai, béo phì (BMI>30), người giảm cân quá nhanh.
- Bệnh lý chuyển hóa: đái tháo đường, rối loạn lipid máu.
- Sử dụng thuốc: octreotide, estrogen, kháng sinh ceftriaxon…

CHẨN ĐOÁN
Sỏi mật được chẩn doán dựa vào triệu chứng điển hình kèm các chẩn đoán hình ảnh kèm theo.
- Siêu âm ổ bụng: quan trọng nhất trong sỏi túi mật (phát hiện được 95% trường hợp sỏi ở túi mật) nhưng ít chính xác hơn trong trường hợp sỏi ở ống mật chủ).
- Chụp cộng hưởng từ mật tụy (MRCP): khi siêu âm ổ bụng không phát hiện sỏi dù triệu chứng nghi ngờ sỏi mật.
- Siêu âm qua nội soi (EUS): chỉ định khi không thể thực hiện MRCP.
SỎI MẬT ĐIỀU TRỊ NHƯ THẾ NÀO ?
Sỏi không triệu chứng không cần điều trị.
- Thuốc tan sỏi: chỉ có tác dụng đối với sỏi cholesterol, khi bệnh nhân không tắc mật. Đa phần sỏi không tan được dù điều trị lâu dài với thuốc. Một số sỏi có thể tan sau 6 tháng – 2 năm nhưng 50% sẽ tái phát sau 5 năm.
- Nội soi mật tụy ngược dòng lấy sỏi (ERCP): chỉ định với sỏi ống mật chủ. Qua nội soi, bác sĩ sẽ cắt vòng cơ nối giữa ống mật chủ với ruột non để sỏi trong ống mật chủ tự rơi ra, hoặc có thể đưa dụng cụ vào ống mật chủ gắp sỏi. Sau thủ thuật, sỏi tái lập sau đó cũng sẽ dễ dàng rơi ra ruột non qua cơ vòng đã cắt. Tuy nhiên biện pháp này không hiệu quả với sỏi túi mật. Sau khi thực hiện ERCP, người bệnh thường được cắt túi mật sau đó.
- Phẫu thuật cắt túi mật: chỉ định khi sỏi mật tắc nghẽn hoặc cơn đau quặn mật tái phát nhiều lần. 90% cắt túi mật được thực hiện qua phẫu thuật nội soi, với ưu điểm là ít đau sau mổ, thời gian nằm viện ngắn và thẩm mỹ hơn. 10% còn lại sẽ cần phải mổ hở.
Ngoài ra, các thuốc kháng viêm, giảm co thắt có thể được sử dụng để giảm triệu chứng đau bụng.
DỰ PHÒNG
- Thay đổi lối sống: là quan trọng nhất, với chế độ ăn giàu chất xơ, giảm chất béo bão hòa, giảm cân, vận động thể lực vừa phải.
- Thuốc ursodeoxycholic acid (giúp giảm lắng cholesterol ở túi mật) trong thời gian ngắn, nhất là với người béo phì đang giảm cân nhanh bằng chế độ ăn hạn chế calo, hoặc phẫu thuật giảm cân. Thuốc được sử dụng đến khi cân nặng ổn định.
Để đặt lịch khám, bạn có thể gọi đến Hotline 028 62793 666 hoặc đặt lịch trực tiếp tại đây. Để tìm hiểu các bệnh lý khác, hãy bấm vào tìm hiểu thêm.
Tài liệu tham khảo:
Chia sẻ