UNG THƯ CỔ TỬ CUNG

Ung thư cổ tử cung (UTCTC) đứng hàng thứ 3 thế giới và thứ 2 tại Việt nam về tỷ lệ mắc ung thư của nữ giới sau ung thư vú.
Ở Việt Nam, khoảng hơn 37 triệu phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Trung bình mỗi ngày có 7 phụ nữ tử vong do ung thư cổ tử cung. Theo ghi nhận ung thư năm 2020, có khoảng hơn 4000 người được phát hiện mắc ung thư cổ tử cung và khoảng 2223 ca tử vong. Tuổi trung bình phụ nữ bị ung thư cổ tử cung từ 48-52 tuổi.
Nguyên nhân ung thư cổ tử cung:
Nguyên nhân hàng đầu của ung thư cổ tử cung là do một loại vi-rút có tên là Human Papillomavirus hay còn gọi là HPV gây ra. HPV lây lan qua quan hệ tình dục. HPV và ung thư cổ tử cung phổ biến hơn ở những phụ nữ: trở nên hoạt động tình dục ở độ tuổi trẻ hơn và có nhiều bạn tình.
Có hơn 100 loại HPV nhưng chỉ có một số ít gây ung thư cổ tử cung (type 16 và 18). Hầu hết phụ nữ sẽ bị nhiễm một số loại virus HPV trong đời. Nhưng không có bất kỳ triệu chứng nào và hệ thống miễn dịch của bạn thường chống lại sự lây nhiễm mà bạn không biết là nó ở đó.
Ngoài ra một số điều kiện có thể dễ gây ung thư cổ tử cung hơn, bao gồm:
- Hút thuốc
- Uống rượu bia
- Có chế độ ăn uống kém
- Viêm nhiễm cổ tử cung
- Quan hệ tình dục không an toàn
- Sinh con khi quá trẻ
- Sử dụng thuốc tránh thai sai cách (thuốc tránh thai khẩn cấp…)
- Hệ thống miễn dịch yếu.
Các triệu chứng như thế nào?
Ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm thường không có triệu chứng. Nhưng một số phụ nữ sẽ có các dấu hiệu như:
- Sụt cân
- Mệt mỏi
- Đau lưng
- Đau vùng xương chậu
- Đau khi quan hệ tình dục
- Chảy máu âm đạo sau khi quan hệ hoặc chảy máu âm đạo bất thường
- Tiết dịch âm đạo bất thường
- Những bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt: rong kinh, rong huyết, đa kinh, kinh nguyệt không đều…
Nhiều triệu chứng của ung thư cổ tử cung, chẳng hạn như chảy máu bất thường, có thể do nguyên nhân khác gây ra. Vì vậy, việc có những triệu chứng này thường không có nghĩa là bạn bị ung thư. Nhưng nếu bạn có bất kỳ vấn đề nào trong số đó thì tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ.
Sàng lọc ung thư cổ tử cung
Nếu nghi ngờ bạn có thể bị ung thư cổ tử cung, bác sỹ sẽ cho bạn làm một xét nghiệm gọi là “soi cổ tử cung” để nhìn từ bên trong âm đạo đến cổ tử cung xem có tổn thương nghi ngờ nào hay không. Tiếp theo, bác sỹ sẽ phủ một chất lỏng đặc biệt lên cổ tử cung để phát hiện bất kỳ điều gì bất thường (nghiệm pháp VIA). Và sau đó một mẫu mô bất thường có thể được lấy và kiểm tra. Đây được gọi là sinh thiết cổ tử cung.
Nếu bạn trong độ tuổi từ 25 – 65 và đã quan hệ tình dục, xét nghiệm định kỳ HPV hàng năm nên được thực hiện. Xét nghiệm HPV đơn độc để sàng lọc sơ cấp hoặc phối hợp với tế bào cổ tử cung/ nghiệm pháp VIA.
Xét nghiệm HPV định kỳ hàng năm đối với nữ giới có tổn thương cổ tử cung hoặc từng nhiễm HPV, và 3 năm nếu không có tổn thương cổ tử cung.
Việc kiểm tra có thể hơi khó chịu một chút nhưng sẽ không gây đau đớn và chỉ mất vài phút. Hầu hết phụ nữ lo lắng vì cảm giác lúng túng và xấu hổ hơn là đau.
Những phương pháp điều trị
Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ hay giai đoạn ung thư của bạn đã lan rộng đến đâu.
Khối u rất nhỏ có thể được chữa khỏi bằng phẫu thuật để loại bỏ các tế bào ung thư. Có hai loại phẫu thuật để chữa ung thư cổ tử cung ở giai đoạn đầu này.
- Việc khoét chóp cổ tử cung có chứa các tế bào ung thư.
- Cắt bỏ bằng phẫu thuật điện để loại bỏ các tế bào ung thư bằng dòng điện.
Ung thư đã phát triển vượt ra ngoài một cụm tế bào nhỏ nhưng khá nhỏ và vẫn còn trong cổ tử cung, được gọi là ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu (hay còn gọi là ung thư giai đoạn 1 và giai đoạn 2).
- Phương pháp điều trị chính là phẫu thuật cắt bỏ tử cung (dạ con) và các hạch bạch huyết xung quanh. Một số phụ nữ cũng cần điều trị bằng hóa trị và xạ trị sau phẫu thuật này.
Ung thư cổ tử cung tiến triển tại chỗ: Ung thư tiến triển cục bộ lan ra ngoài cổ tử cung vào các mô lân cận và đôi khi đến các cơ quan khác, nhưng không lan xa đến xương chậu (tương đương ung thư ở giai đoạn 2, 3 và 4).
- Phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung tiến triển cục bộ là hóa trị và xạ trị.
Việc theo dõi sau điều trị.
Sau khi điều trị ung thư cổ tử cung, bạn sẽ cần xét nghiệm theo dõi vài tháng một lần và sau đó là hàng năm. Điều này là để kiểm tra xem ung thư có quay trở lại không.
Dự phòng ung thư cổ tử cung
Ngày nay, để dự phòng ung thư cổ tử cung do HPV gây ra, đã có 3 loại vaccin được cấp phép và đang được sử dụng: vaccin 2 type HPV (HPV 16 và 18), vaccine 4 type HPV (bao gồm thêm type 5 và 11 gây ra 90% u vùng sinh dục), vaccine 9 type HPV (bao gồm thêm HPV 31,33,45,52,58 – 15% type HPV gây ung thư ở nữ và 4% type HPV gây ung thư ở nam. Hiện nay vaccine ngừa HPV (Gardasil 9) được chỉ định cho cả nam và nữ từ 9 – 45 tuổi, bất kể đã quan hệ tình dục hay chưa mà không cần có sự tham vấn y khoa. Đến năm 2026, vaccine ngừa HPV sẽ chính thức được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia tại Việt Nam.
Việc khám phụ khoa định kỳ và sàng lọc hàng năm cũng góp phần phát hiện những bất thường và điều trị sớm các viêm nhiễm tại phần phụ của phụ nữ làm giảm khả năng phát triển ung thư cổ tử cung.
Ngoài ra, thay đổi lối sống và các thói quen không tốt như: hút thuốc lá, rượu bia, quan hệ tình dục quá sớm hoặc với nhiều bạn tình, sinh con đầu lòng ngoài 35 tuổi… cũng giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh.
Tài liệu tham khảo:
- Quyết định 1639 QĐ-BYT, Hướng dẫn hoạt động dự phòng, sàng lọc, phát hiện sớm và quản lý ung thư vú, ung thư cổ tử cung tại cộng đồng thuộc Đề án 818 đến năm 2030, tháng 3/2021.
- Chương trình mục tiêu quốc gia: Sàng lọc ung thư cổ tử cung được thực hiện như thế nào? – Bộ Y tế, tháng 12/2020.
- Cục quản lý Dược, Bộ Y tế – 09/05/2024.
- Nghị quyết số 104/NQ-CP, của Chính phủ về lộ trình tăng số lượng vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021 – 2030, ngày 18/05/2022.
- bmj.com/patient-leaflets/ Cervical cancer.
Chia sẻ